Ông Phạm Đức Bình (CEO Công ty CP Công nghệ BNC Việt Nam) bày tỏ quan điểm về xây dựng văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh

2018-12-06 11:27:10

Hội thảo “Văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh” do Báo Văn Hóa phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức đã diễn ra sáng qua 18.9 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (Hà Nội).

Hội thảo “Văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh” do Báo Văn Hóa phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức đã diễn ra sáng qua 18.9 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (Hà Nội).

Nhà sử học Dương Trung Quốc điều phối chương trình Hội thảo

Khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia tham dự hội thảo nhấn mạnh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh luôn là yếu tố sống còn, quyết định sự phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp.

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp còn bị coi nhẹ

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng Biên tập Báo Văn Hóa Chu Thị Thu Hằng, Trưởng BTC hội thảo nhấn mạnh: “Văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh trong bối cảnh kinh tế thị trường chính là yếu tố then chốt, quyết định sự thành bại cũng như khẳng định thương hiệu bền vững của mỗi doanh nghiệp”.

Nhiều bài học thực tế trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp đã khẳng định, nếu thiếu sự quan tâm cần thiết đối với việc xây dựng nền tảng văn hóa, đạo đức kinh doanh thì thiệt thòi là chính các doanh nghiệp. Đã có không ít doanh nghiệp vì lợi nhuận mà bất chấp, vì đồng tiền mà đánh cược cả niềm tin đang dần cạn kiệt từ phía khách hàng; nhiều doanh nghiệp từng là thương hiệu đình đám trên thị trường bỗng chốc bị đổ bể… “Những bài học đau xót đó một lần nữa cho thấy vấn đề văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh đã không thể chỉ là khẩu hiệu của mỗi doanh nghiệp mà ngược lại, văn hóa và đạo đức kinh doanh phải luôn được các doanh nghiệp, doanh nhân xem như một triết lý sống còn cho sự tồn tại và phát triển của mình…”, bà Chu Thị Thu Hằng khẳng định.

Điều phối chương trình, nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh: “Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Liệu văn hóa có trở thành ngọn đuốc soi đường cho các hoạt động, triết lý kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam được không? Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh chính là triết lý then chốt cho sự tồn tại và phát triển của mỗi doanh nghiệp…”.

Nhà sử học cũng lưu ý, để có thể soi đường, văn hóa doanh nghiệp sẽ phải đóng vai trò là ngọn đèn, ngọn đuốc. Tuy nhiên, cũng nên nhớ rằng, nơi tối nhất lại chính là ở dưới chân đèn. Vì vậy, để văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh thực sự trở thành yếu tố sống còn thì mỗi doanh nghiệp, doanh nhân thay vì dừng ở triết lý, hãy quan tâm nhiều hơn đến việc cụ thể hoá thành hành động.

Chia sẻ nhận định: “Việc chỉ chú trọng đến kết quả kinh doanh trước mắt mà không quan tâm đến hình ảnh chính là vết đứt trong phát triển, làm sự phát triển đó không bền vững”, ông Phạm Đức Bình (CEO Công ty CP Công nghệ BNC Việt Nam) cũng cho rằng, trong thời buổi thị trường thay đổi như vũ bão, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp có lúc còn bị coi nhẹ. “Nguyên nhân của thái độ coi nhẹ này thường đến từ lãnh đạo doanh nghiệp. Vì giá trị của thương hiệu cũng như giá trị văn hóa khó đo lường, không ít nhà quản lý thường bỏ qua hoặc ràng buộc nhân viên bằng các quy định, để văn hóa phát triển tự phát. Đến một lúc nào đó, lãnh đạo giật mình nhận ra doanh nghiệp của mình không có bản sắc gì. Doanh nghiệp khi đó buộc phải “đại phẫu”, nếu không muốn bị sụp đổ…”.

Tọa đàm với chủ đề “Làm sao để Văn hóa doanh nghiệp không chỉ là khẩu hiệu”
Văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh trong bối cảnh kinh tế thị trường chính là yếu tố then chốt, quyết định sự thành bại cũng như khẳng định thương hiệu bền vững của mỗi doanh nghiệp.

Tổng Biên tập Báo Văn Hóa Chu Thị Thu Hằng, Trưởng BTC hội thảo

Đừng đợi có tiền mới làm thương hiệu

Làm sao để văn hóa doanh nghiệp không còn là khẩu hiệu? Câu hỏi được nhà sử học Dương Trung Quốc đưa ra ở hội thảo đã được hồi âm bằng nhiều cách nhìn nhận đa chiều. Theo ông Nguyễn Quang Vinh (Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam): “Văn hóa doanh nghiệp chính là nhân tố dẫn đường, soi sáng và tạo ra những giá trị lợi ích cho doanh nghiệp. Đó chính là sức mạnh để mỗi doanh nghiệp có thể lớn mạnh, trưởng thành và vượt qua những sóng gió.

Tuy nhiên, mặc dù là yếu tố cốt lõi nhưng thực tế, không ít doanh nghiệp lại không chú trọng xây dựng nền tảng văn hóa. Hô khẩu hiệu thì nhiều, nhưng đối với nhiều doanh nghiệp thì xây dựng văn hóa, đạo đức kinh doanh lại là vấn đề không đơn giản”.

Hội thảo thu hút đông đảo các chuyên gia, nhà văn hóa, doanh nhân…

Trước thực trạng nhiều doanh nghiệp chỉ xem trọng yếu tố lợi nhuận, bất chấp tất cả để gian lận, lập lờ đánh lận con đen, PGS.TS Đỗ Minh Cương, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa doanh nghiệp thẳng thắn, những quảng cáo sai sự thật, lừa đảo khách hàng không có cách gọi tên nào khác là hành vi vô văn hóa của doanh nghiệp. Bởi tiêu chuẩn đầu tiên của đạo đức kinh doanh phải là sự trung thực, tôn trọng khách hàng.

CEO Công ty CP Công nghệ BNC Việt Nam Phạm Đức Bình nhấn mạnh: “Có một câu nói về văn hóa doanh nghiệp: “Đừng nghĩ khi có tiền mới làm thương hiệu”. Trên thực tế, trên 80% các doanh nghiệp khởi nghiệp nghĩ rằng họ chưa có tiền nên chưa làm thương hiệu. Đó là cách nghĩ chưa đúng, bởi họ hoàn toàn có thể xây dựng thương hiệu bằng các hoạt động hằng ngày, cố gắng tạo ra sự khác biệt cho hình tượng sản phẩm, về sự độc đáo trong văn hóa của họ tới khách hàng và công chúng…”.

Cũng cho rằng không thể đợi có tiền mới làm thương hiệu, chờ giàu có mới quan tâm đến văn hóa và đạo đức kinh doanh, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, từ khẩu hiệu đến hành động là một quá trình. Tuy nhiên, phải có khẩu hiệu đúng thì mới có thể đi đúng hướng được. “Chính vì vậy mà qua mười mấy năm thực hiện khẩu hiệu “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, dường như các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tìm cách giải cứu nhau chứ chưa thực sự chinh phục thị trường trong nước bằng chất lượng và niềm tin dành cho các sản phẩm Made in Việt Nam, ông Quốc nói.

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu và doanh nhân… với BTC hội thảo

Bài toán đầu tư thương hiệu

PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh (Chủ tịch Hội đồng khoa học BCSI) cho rằng, trong nhiều cách nhìn nhận về thương hiệu, có một cấu phần mà nhiều doanh nghiệp thường bỏ qua, đó là sự cảm nhận từ phía khách hàng. Trong nội hàm của thương hiệu có nhiều yếu tố mà mỗi doanh nghiệp không thể bỏ qua. Lâu nay, các doanh nghiệp thường chỉ quan tâm đến các yếu tố liên quan đến chất lượng sản phẩm như độ bền, hình thức…, trong khi chất lượng của các dịch vụ đi kèm thì lại ít được quan tâm. “Văn hóa doanh nghiệp không tồn tại độc lập mà len lỏi trong bất cứ một giai đoạn nào của quá trình kinh doanh, từng ngày từng giờ tác động đến hoạt động của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp không thể vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả để quảng bá cho thương hiệu, logo của mình”, PGS Thịnh lưu ý.

Bài toán cho đầu tư thương hiệu cũng là điểm nhấn tại hội thảo. Theo bà Phùng Thu Trang (Trưởng Ban Truyền thông Công ty CP Viễn thông FPT): “Không phải cứ đầu tư cho thương hiệu là tốn nhiều chi phí. Vấn đề là nhận thức của người đứng đầu. Nếu mỗi người lãnh đạo luôn có tâm, trân trọng doanh nghiệp của mình, không đặt yếu tố lợi nhuận lên cao nhất thì họ sẽ chú trọng tư duy để xây dựng đội ngũ, sẽ đẩy mạnh các yếu tố chia sẻ, truyền thông nội bộ… để chuyển tải đến các nhân viên những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh nhấn mạnh, để làm tốt câu chuyện ứng xử với khách hàng thì không phải tốn quá nhiều tiền để PR. “Thương hiệu đôi khi chỉ là một nụ cười, một cái bắt tay, là lời thăm hỏi đối với khách hàng… chứ không hẳn là phải lên truyền hình để quảng cáo. Cốt lõi là sản phẩm và chất lượng dịch vụ, là niềm tin mà mỗi doanh nghiệp mong muốn gửi gắm đến cộng đồng”.

Mười mấy năm thực hiện khẩu hiệu “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, dường như các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tìm cách giải cứu nhau chứ chưa thực sự chinh phục thị trường trong nước bằng chất lượng và niềm tin dành cho các sản phẩm Made in Việt Nam.

Văn hóa doanh nghiệp không tồn tại độc lập mà len lỏi trong bất cứ một giai đoạn nào của quá trình kinh doanh, từng ngày từng giờ tác động đến hoạt động của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp không thể vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả để quảng bá cho thương hiệu, logo của mình.

(PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, Chủ tịch Hội đồng khoa học BCSI)

Tin liên quan


BNC Group và tham vọng phát triển giải pháp toàn diện từ kinh doanh cho đến nhân lực

Cụm từ “Bán hàng đa kênh – Omnichannel” có lẽ không còn xa lạ với các doanh nghiệp...

Quan hệ giữa doanh nghiệp startup và nhà đầu tư: Hãy cẩn trọng, thẳng thắn và rõ ràng

Để tìm vốn đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) không phải là một câu...

Bán hàng tốt hơn với Web BNC khi tích hợp Ngân Lượng Alepay

Web BNC là một trong những nhà cung cấp giải pháp dịch vụ Web thương mại và các dị...